Monday, October 15, 2007

Rượu vang không dễ mua

Thị trường rượu vang vào dịp Tết rất sôi động. Đây cũng là thời điểm chất lượng rượu rất phức tạp. Để chọn được chai vang “đáng đồng tiền bát gạo” không phải dễ.




Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Giám đốc Công ty Hùng Thịnh - chuyên kinh doanh vang nhập khẩu, nhận xét thị trường rượu vang trong nước hiện rất sôi động và cạnh tranh khá quyết liệt do ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhảy vào khai thác. Trước đây, tại thị trường VN chỉ có rượu vang "Thế giới cũ" (Old World Wines) có xuất xứ lâu đời của vùng Địa Trung Hải, như: Pháp, Ý, Tây Ban Nha..., nay có thêm sản phẩm vang "Thế giới mới" (New World Wines) của vùng Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Úc, Nam Phi... Loại vang "bình dân" bán đại trà ở các shop, siêu thị (thường là rẻ) và loại vang "sành điệu" chủ yếu phân phối trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp giá bán khá cao.

Theo Hiệp hội Rượu bia và Nước giải khát VN, hiện trong nước có hơn 15 doanh nghiệp sản xuất và "đóng chai" rượu vang với sản lượng mỗi năm khoảng từ 12 - 13 triệu lít. Ngoài rượu vang ngoại, các thương hiệu vang trong nước cũng đang ráo riết giành khách nhờ lợi thế giá rẻ hơn 2 - 3 lần so với vang ngoại và chất lượng một số loại rượu vang nội (như Vang Đà Lạt, Vang Đông Đô...) tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, bà Nguyễn Mỹ Lan, chủ một shop kinh doanh rượu ở đường Hải Triều (Q.1 - TPHCM), cho biết sản phẩm vang Pháp vẫn đứng đầu thị trường VN, kế đến là vang Úc, Chile, Mỹ...

So với cùng kỳ năm trước, giá bán các loại vang có tăng nhẹ. Cụ thể: vang Voyage Cabernet Sauvignon giá khoảng 122.000 đồng/chai, Stamp Kaola of Australia 164.000 đồng/chai, Houghton Cabernet ShirazMerbot giá 268.000 đồng/chai, ST Henri Shiraz (Úc) giá 762.500 đồng/chai, Margaoux (Pháp) giá 636.000 đồng/chai, Calvet Côtes-Du-Rhône 2002 (Pháp) giá 186.000 đồng/chai, vang đỏ Lindemans Bin 45 (Úc) giá bán 266.000 đồng/chai, Zonin 2003 (Ý) giá 175.000 đồng/chai, vang Passion (Chile) đóng chai tại VN giá 69.000 đồng/chai, vang xuất khẩu Đà Lạt 42.500 đồng/chai...,

Hiện nay, vang được bán đại trà, song để chọn được hàng chất lượng thì không phải dễ. Theo ông Đỗ Minh Triết, giảng viên Trường Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn Tourist - một chuyên gia về pha chế, trên thị trường hiện phổ biến 2 dạng rượu vang: loại vang "chính tông", trên nhãn, ngoài thương hiệu, giống nho, niên vụ nho... còn có chú thích hạng rượu như AOC (viết tắt nguồn gốc xác định), VDQS, Grand Cru... để khẳng định đẳng cấp. Với loại vang "xịn" này, giá thấp nhất cũng phải từ 400.000 đồng/chai trở lên. Còn loại vang "phổ biến" thường dùng "chiêu" lập lờ nhãn mác. Chẳng hạn, cũng có ký hiệu nguồn gốc xác định, xuất xứ, tên thương hiệu, nhà sản xuất, niên hạn nho..., song nếu xem kỹ tất cả những chi tiết trên sẽ phát hiện chúng đã được "biến hóa". Chẳng hạn rượu vang Bordeux -Pháp, trên hàng chữ "Grand vin de Bordeaux" (rượu có tên tuổi của Bordeaux) thiếu chữ "d" ở từ "Gran", hay thay câu "Produit de France" (rượu sản xuất tại Pháp) bằng câu "Distribue par D.Molinelli, 93500 France" (sản xuất tại vùng Seine-saint-denis-cạnh thủ đô Paris, cách Bordeaux gần cả ngàn cây số)...

Nhiều người vẫn quan niệm rằng, rượu vang để càng lâu càng ngon, song theo ông Triết, điều này còn phụ thuộc vào chất lượng. Loại rượu có giá bán 100.000 đồng có thể lưu giữ từ 1 - 2 năm; trên 200.000 đồng giữ được từ 3 - 4 năm... Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, trên thị trường VN hiện nay hầu hết là loại "thường thường bậc trung", còn loại cao cấp thì rất ít. Điều nghịch lý là, dân "Tây" thì thích dùng vang VN do có giá bán rẻ, chất lượng khá, còn dân ta thì lại thích uống vang ngoại.

Rượu lậu, rượu "dỏm" tràn lan

Theo Chi cục QLTT TPHCM, tuần qua đơn vị đã phát hiện cả chục vụ vận chuyển, kinh doanh rượu giả, rượu lậu. Cụ thể: ngày 19/1, đội 3B QLTT TPHCM phát hiện tại cửa hàng số 393 Hai Bà Trưng, quận 3 có 49 chai rượu Remy, Courriere, Cordon Bleu, Remy Martell... không có hóa đơn, chứng từ. Đội QLTT quận Bình Thạnh phát hiện tại cửa hàng số 332 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25 đang kinh doanh 169 chai rượu ngoại các loại đều không có hóa đơn, chứng từ. Cũng trong ngày 19/1, đội 1B QLTT TPHCM phát hiện tại vũ trường Hải Vân, số 69 Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, bày bán 10 chai rượu ngoại không chứng từ.

Tương tự, ngày 16/1, cơ quan Cảnh sát Điều tra Tội phạm về quản lý trật tự kinh tế và chức vụ (Công an TPHCM) phát hiện và bắt quả tang tại số 18/10 Đô Đốc Long, phường Tân Quý, quận Tân Phú có 100 thùng rượu giả các nhãn hiệu Hennessy, Remy Martin, Johnnie, Walker, Champagne, Bordeaux thành phẩm. Tại hiện trường còn có nhiều dụng cụ pha chế rượu với công thức dùng rượu ngoại pha với rượu Bình Tây hoặc rượu Nàng Hương, đường, phẩm màu. Cùng ngày, tại cửa hàng số 120 Nguyễn Cửu Đàm, phường Tân Sơn, quận Tân Phú (nơi phân phối và kinh doanh rượu từ cơ sở sản xuất trên), cơ quan chức năng tịch thu thêm 100 thùng rượu giả...

Nguồn: Người Lao động

No comments: